Những người có tên trong di chúc sẽ được nhận di sản do người chết để lại. Tuy nhiên, vẫn có một số người không có tên trong di chúc nhưng vẫn được thừa kế. Vậy họ gồm những ai?
Bà A tới Công ty luật có câu hỏi như sau:
Tôi và chồng (ông B) có đăng ký kết hôn vào năm 2001. Hiện chúng tôi đang cùng nhau nuôi dưỡng chăm sóc 2 cháu là T và L (đều đã thành niên, có khả năng lao động). T là con riêng của chồng tôi với người vợ đầu tiên (đã chết), còn L là con chung của 2 vợ chồng tôi.
Khi còn sống ông B được bố mẹ đẻ tặng cho riêng một căn chung cư và đã sang tên quyền sử dụng. Trước khi mất, chồng tôi có lập di chúc, để lại toàn bộ tài sản là Căn chung cư này cho cháu T. Ngoài ra không để lại bất cứ tài sản nào cho tôi và cháu L.
Vậy tôi muốn hỏi Quý Công ty Luật Tôi và cháu L có được hưởng thừa kế không?
Qua nội dung và yêu cầu của bà A, Công ty Luật chúng tôi xin trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Theo Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về Quyền của người lập di chúc như sau:
“ Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Từ căn cứ này, có thể thấy ông B có quyền lập di chúc để định đoạt di sản cho bất cứ ai. Do đó, việc ông B lập di chúc để lại tài sản cho cháu T cũng là cách ông B đang thực hiện một trong số các quyền của người lập di chúc.
Trong nội dung di chúc của ông B lại không hề đề cập tới bà A và cháu L. Tuy không có tên trong di chúc, nhưng theo pháp luật quy định, một số cá nhân vẫn được hưởng một phần di sản của người lập di chúc bởi
Căn cứ theo điểm a khoản 1, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
- Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng
- b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Theo di chúc của ông B thì bà A và cháu L không được hưởng bất cứ di sản thừa kế, tuy nhiên do bà A là vợ của ông B nên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó bà vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
Còn về trường hợp cháu L mặc dù là con ruột của ông B, nhưng cháu L hiện đã thành niên và có khả năng lao động vì vậy cháu L không thuộc đối tượng là người được hưởng thừa kế không phục thuộc vào nội dung di chúc do đó cháu L sẽ không được hưởng di sản của ông B.
Trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi cho bà A thì bà A nên gửi đơn yêu cầu cơ quan Tòa án có thẩm quyền phân chia lại di sản mà người chồng để lại.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty luật chúng tôi, nếu bà A vẫn còn câu hỏi thắc mắc và muốn biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ với Công ty luật chúng tôi để được giải đáp thắc mắc và hỗ trợ nhanh nhất.
Tác giả: Đặng Hồng Liên Luật sư Tham vấn : Đặng Minh Quang
Tư vấn & hỗ trợ giải quyết mọi vướng mắc pháp lý quý khách hàng vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV CÔNG PHÚC
Hotline: 02268688888 – 02435561111 – 02436891111
Email: luatcongphuc.info@gmail.com
Địa chỉ:
* Trụ sở chính: Số 57 Phố Cù Chính Lan, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
* Chi nhánh Hà Nội: Số 21-23 ngõ 9 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nộ