THẨM QUYỀN ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Tình huống: Vào ngày 29/11/2024, vụ việc liên quan đến một nhóm vệ sĩ chặn xe của Tư lệnh Quân khu 4 để nhường đường cho đoàn xe đám cưới ở Thanh Hóa đã thu hút sự chú ý của dư luận. Mặc dù Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận rằng thông tin này không chính xác và nhóm vệ sĩ kia đã tự ý phân luồng, điều tiết giao thông trên tuyến đường lớn nhằm phục vụ đám cưới. Tuy nhiên, sự việc này đã đặt ra nhiều câu hỏi về thẩm quyền điều khiển giao thông theo quy định của pháp luật.

Giải đáp:

Theo quy định pháp luật, chỉ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), mới có quyền điều khiển giao thông. Điều này được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Khoản 25 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 giải thích về người điều khiển giao thông: “Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.”

Theo khoản 1, khoản 3 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về tổ chức và điều khiển giao thông như sau:

“1. Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây:

a) Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ;

c) Thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời hoặc lâu dài; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

3. Trách nhiệm điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông như sau:

a) Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông;

b) Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe”.

Như vậy, việc nhóm vệ sĩ tự ý phân luồng, điều tiết giao thông trên tuyến đường lớn để phục vụ đám cưới mặc dù không có thẩm quyền là hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng lớn trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hy vọng những giải đáp trên sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm liên quan đến việc điều khiển giao thông. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ thêm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *