Chào Luật sư tôi có vấn đề cần tư vấn như sau: Luật sư có thể cho tôi biết hiện nay đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, nhà nước có những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo hình thức nào? Đối tượng, điều kiện được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ này là như thế nào? Cảm ơn luật sư tư vấn!
Chào anh về vấn đề của anh/chị công ty chúng tôi đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
- Khái niệm đầu tư và đối tượng được ưu đãi
Trước hết, đầu tư được hiểu là quá trình cá nhân hoặc tổ chức sử dụng các tài sản để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm sinh lợi.
Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 nhà đầu tư bao gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Để khuyến khích đầu tư, Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, với mục tiêu đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của nhà đầu tư.
- Các hình thức ưu đãi đầu tư
Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 đã quy định cụ thể về các hình thức Ưu đãi đầu tư:
“Điều 15. Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư
- Hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm:
a) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
b) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
c) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
d) Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.”
Như vậy, chúng ta có thể rút ra các hình thức ưu đãi đầu tư hiện nay là:
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thông thường trong thời hạn hoặc suốt thời gian dự án.
- Miễn, giảm thuế theo quy định.
- Miễn thuế nhập khẩu:
- Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất.
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Khấu hao nhanh, tăng chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
- Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Đối tượng được hưởng ưu đã đầu tư được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:
“2. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;
b) Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
c) Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
d) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
đ) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
e) Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
g) Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Trong đó, các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi được quy định theo Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 gồm các dự án sau:
“1. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm:
a) Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
b) Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
c) Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;
d) Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
đ) Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;
e) Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;
g) Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;
h) Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;
i) Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;
k) Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế;
l) Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
m) Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;
n) Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
o) Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.”
Các dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi được quy định theo Khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 , cụ thể:
“2. Địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm:
a) Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.”
Dự án đầu tư quy mô lớn là những dự án có vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ trong 3 năm hoặc doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ/năm hoặc sử dụng 3.000 lao động.
Ngoài ra, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư còn có các dự án khác như: Dự án đầu tư trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nông thôn, người khuyết tật; Doanh nghiệp khoa học, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo; Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị, liên kết ngành.
- Ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư
Ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định cụ thể theo Điều 16 Luật Đầu tư 2020. Qua các quy định của luật, Công ty chúng tôi xin tóm tắt lại những ngành, nghề và địa bàn được hưởng ưu đĩa đầu tư như sau:
a. Ngành, nghề ưu đãi:
- Công nghệ cao, nghiên cứu phát triển, công nghiệp hỗ trợ.
- Năng lượng sạch, tái tạo.
- Sản xuất vật liệu mới, ô tô, điện tử, nông nghiệp công nghệ cao.
- Thu gom, tái chế chất thải.
- Giáo dục, y tế, thể thao chuyên nghiệp.
- Bảo tồn di sản văn hóa.
b. Địa bàn ưu đãi:
- Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
- Các hình thức hỗ trợ đầu tư
Các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định theo Điều 18 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:
“Điều 18. Hình thức hỗ trợ đầu tư
- Các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm:
a) Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư;
b) Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
c) Hỗ trợ tín dụng;
d) Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước;
đ) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ;
e) Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin;
g) Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Căn cứ định hướng phát triển kinh tế – xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác.”
- Đặc điểm của các dự án được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Quy định theo Điều 20 Luật Đầu tư 2020)
Để thúc đẩy các dự án có tác động lớn đến kinh tế – xã hội, Chính phủ áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt dành cho một số trường hợp cụ thể:
- Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt:
- Dự án đầu tư thành lập mới:
- Trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển với tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
- Giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
- Dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi:
- Có quy mô vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên.
- Giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm.
- Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng:
- Thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.
- Chính phủ có thể quyết định các hình thức ưu đãi đặc biệt khác ngoài các quy định hiện hành nếu dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia.
- Các trường hợp không áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt:
- Dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận hoặc quyết định chủ trương trước khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực.
- Dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5, Điều 15 của Luật Đầu tư 2020.
- Chính sách hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước (theo Điều 19 Luật Đầu tư 2020)
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, Nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thông qua các phương thức như:
1. Hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước:
- Tập trung vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
- Hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách để phát triển đồng bộ hạ tầng trong và ngoài các khu vực này.
2. Huy động các nguồn vốn khác:
- Vốn tín dụng ưu đãi.
- Áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
3. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển:
- Căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt, các cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch cụ thể nhằm phát triển hệ thống hạ tầng.
Như vậy Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các chính sách này, nhà đầu tư cần nắm rõ quy định pháp luật và tuân thủ đúng các điều kiện được hưởng ưu đãi.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp thêm, anh/chị vui lòng liên hệ trực tiếp với công ty chúng tôi để được tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn!