Anh D tới Công ty Luật có vấn đề cần được công ty giải đáp như sau:
Em trai tôi từng nghiện ma tuý và được tòa án địa phương tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, em trai tôi có được kết hôn hay không? Mong nhận được sự tư vấn pháp luật của Luật sư.
Qua nội dung và yêu cầu của anh, Công ty Luật chúng tôi xin trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Điều 24 Bộ luật dân sự 2015 thì hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:
“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
- Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
- Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
- Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Tại Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì điều kiện kết hôn được quy định như sau:
“ Điều 8. Điều kiện kết hôn
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”
Từ các quy định trên thì không có quy định nào cấm người hạn chế năng lực hành vi dân sự không được kết hôn chỉ có pháp luật quy định người bị mất hành vi dân sự không đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Do đó em trai của anh vẫn được quyền kết hôn như bình thường mà không bị cấm hay hạn chế.
Tuy nhiên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự kết hôn thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
- Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
- Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi”
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty Luật chúng tôi, nếu anh vẫn còn câu hỏi thắc mắc và muốn biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ với Công ty Luật chúng tôi để được giải đáp thắc mắc và hỗ trợ nhanh nhất.