CẤP DƯỠNG TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Chị H tới Công ty Luật có vấn đề cần được công ty giải đáp như sau:

Tôi và người yêu tôi là anh C có quan hệ yêu đương và sinh được 01 bé gái nhưng chúng tôi lại không có đăng ký kết hôn. Thời gian gần đây, do mâu thuẫn trong đời sống nên chúng tôi quyết định chia tay, tôi là người nuôi con. Tôi có yêu cầu C phải cấp dưỡng đầy đủ hàng tháng cho con nhưng anh ấy lại không đồng ý, khi nào muốn thì anh ấy sẽ cấp dưỡng. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp của tôi không có đăng ký kết hôn thì tôi có được yêu cầu C cấp dưỡng cho con không?

Qua nội dung và yêu cầu của chị, Công ty Luật chúng tôi xin trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật của Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

  1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”

Việc chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái do quan hệ huyết thống tạo nên.

Căn cứ tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về cấp dưỡng như sau:

” Điều 3. Giải thích từ ngữ

  24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.

Và theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

  1.Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ không phụ thuộc vào việc chị và anh ấy có đăng ký kết hôn hay không, chỉ cần xác định rằng anh ấy là cha của con chị thì có thể yêu cầu anh ấy cấp dưỡng. Nếu như chị chưa có các giấy tờ xác định mối quan hệ huyết thống cha con giữa anh ấy và con chị thì trước tiên chị cần yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định quan hệ cha con giữa hai người họ.

 

Lúc này, thủ tục phải làm trước hết là xác nhận cha, mẹ và con giữa người muốn yêu cầu cấp dưỡng và người được cấp dưỡng. Điều 25 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:

“ Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

   1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

   2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

Sau khi được công nhận là cha, mẹ con thì hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con. Nếu C trốn tránh nghĩa vụ thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trong trường hợp anh ấy không tự nguyện cấp dưỡng thì chị có quyền yêu cầu Tòa án buộc anh ấy phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

 1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó …”

 

Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty Luật chúng tôi, nếu chị vẫn còn câu hỏi và muốn biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ với Công ty Luật chúng tôi để được giải đáp thắc mắc và hỗ trợ nhanh nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *